Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý tự miễn điển hình do cơ thể tự sinh ra những chất chống lại chính khớp và gây đau. Bệnh diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngưng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh:
Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh khớp. Ở Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh 0,5% trong nhân dân và 20% số bệnh khớp nằm điều trị tại bệnh viện.
- Hiện nay, VKDT được coi là một bệnh tự miễn hệ thống với sự tham gia của nhiều yếu tố.
- Tác nhân khởi phát: Chưa được xác minh chắc chắn, có nhiều giả thiết cho rằng có thể là virus.
- Cơ địa: bệnh có liên quan rõ rệt đến giới và tuổi, bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới chiếm tỷ lệ 70 -80% và thường độ trên 30 tuổi (chiếm tỷ lệ 60 - 70%).
- Bệnh có tính di truyền, nghĩa là trong gia đình có bố mẹ bị VKDT thì con có nguy cơ bị VKDT rất lớn (chiếm tới 60-70% ở những bệnh nhân bị VKDT).
- Yếu tố thuận lợi: sau sang chấn, cơ thể suy yếu, sinh đẻ, lạnh ẩm kéo dài.
Triệu chứng của bệnh:
Viêm khớp dạng thấp thường khó phát hiện vì bệnh bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, nhiều bệnh viêm khớp khác cũng có triệu chứng tương tự. Vì vậy, khi thấy có một trong các triệu chứng sau đây cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:
Khởi phát: 85% bắt đầu từ từ, tăng dần, 15% đột ngột với các dấu viêm cấp; đa số bằng viêm một khớp, đó là một trong các khớp bàn tay (cổ tay, bàn ngón, ngón gần), gối. Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển qua giai đoạn toàn phát.
Toàn phát: Viêm nhiều khớp
- Vị trí viêm: Sớm là các khớp ở chi như: Cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân bàn ngón chân, khớp gối… Muộn là các khớp: Khuỷu, vai, háng, đốt sống cổ…
- Đối xứng: Thường viêm ở 2 khớp đối xứng nhau như ở hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở hai bàn tay…
- Cứng khớp buổi sáng, thức dậy không thể vận động được ngay mà phải xoay khớp, xoa bóp chừng 10-15 phút mới có thể xuống giường.
- Tiếp đến là đau khớp, nhất là các khớp nhỏ như: khớp bàn ngón tay, cổ tay, bàn ngón chân, cổ chân.
- Các khớp có đặc điểm là viêm đau, có thể sưng, ít nóng đỏ.
- Giai đoạn muộn các ngón tay có hình thoi.
- Biến dạng khớp đặc trưng xuất hiện chậm hơn: bàn tay gió thổi, bàn tay lưng lạc đà.
Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp:
- Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp rất đa dạng, bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng sau:
- Bệnh nhân gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, da và niêm mạc xanh nhợt.
- Xuất hiện hạt dưới da ở trên xương trụ (gần khớp khuỷu tay), trên xương chày (gần khớp gối), quanh khớp cổ tay. Hạt có đường kính 5 – 15 mm nổi lên trên mặt da, chắc, không đau, không di động.
- Ban đỏ gan bàn chân và lòng bàn tay do viêm mao mạch.
- Teo cơ ở vùng quanh khớp tổn thương do giảm vận động.
- Viêm gân và bao gân quanh khớp.
- Dây chằng khớp viêm co kéo hoặc giãn gây lỏng lẻo khớp.
- Bao khớp phình to.
- Ngoài ra có một số biểu hiện ở các cơ quan khác hiếm gặp như: tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, xương mất chất vôi gãy tự nhiên, rối loạn thần kinh thực vật…
Biến chứng của Viêm khớp dạng thấp
Là một bệnh tự miễn nên VKDT tiến triển rất nhanh, rất khó điều trị dứt điểm và thường để lại nhiều biến chứng tàn khốc ở các khớp xương và các cơ quan khác trên cơ thể. Dưới đây là các biến chứng của bệnh có thể gây ra:
- Mất khả năng lao động: do hiện tượng cứng khớp làm hạn chế vận động, sức đề kháng cơ thể giảm, đau nhiều…
- Nguy cơ tàn phế: bệnh lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp gây ra tàn phế. Có khoảng 89% người bệnh Viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, bàn tay khó cầm nắm, khó đi lại sau 10 năm phát bệnh.
- Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 4 lần, các nghiên cứu cho thấy có tới 30% bệnh nhân có biến chứng tim mạch và 50% có thể dẫn tới tử vong.
- Gây khó thụ thai: theo một số nghiên cứu khoảng 25% phụ nữ bị VKDT gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Phòng bệnh Viêm khớp dạng thấp:
VKDT là bệnh rất khó để chữa khỏi, vì đây là bệnh do các hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công và hủy hoại màng hoạt dịch khớp gây nên một quá trình viêm không đặc hiệu, quá trình này kéo dài không chấm dứt, đi từ khớp này qua khớp. Vì vậy để phòng bệnh VKDT cũng như hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần phải chú ý:
- Đảm bảo môi trường sống khô ráo, thoáng đãng, sạch sẽ vì môi trường sống ẩm thấp, thời tiết mưa lạnh là nguyên nhân ảnh hưởng đến các khớp, lâu dần sẽ dẫn tới bệnh VKDT.
- Chế độ ăn uống hợp lý: xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều Canxi, uống nhiều nước để hỗ trợ cho hệ khớp trong cơ thể không bị sớm suy thoái.
- Giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ giúp bạn giảm đi trọng lượng chèn ép lên các khớp xương từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Viêm khớp.
- Căng duỗi: cũng là một trong những cách phòng bệnh VKDT. Vì khi các cơ, khớp được căng duỗi sẽ sẽ giúp cho cơ bắp được tăng cường đồng thời củng cố lực cơ các khớp.
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, luôn giữ tư thế thẳng, thường xuyên xoa bóp ở bàn tay, ngón tay và các khớp. Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh VKDT tái phát người bệnh nằm trên giường phẳng, chắc, ngủ đủ giấc.
- Hạn chế mang vác nặng, làm việc sai tư thế: Những người làm việc văn phòng, thợ may, người thường xuyên làm các công việc lao động nặng nên chú ý không làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi, vận động sau 1-2h làm việc để giúp hệ xương khớp được thư giãn và tránh tình trạng co cứng cơ, làm giảm thiểu khả năng mắc bệnh Viêm khớp.
- Giữ tâm lý ổn định, hạn chế căng thẳng, stress để không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormon từ đó phòng bệnh VKDT hiệu quả.
Đi khám sức khỏe định kỳ: những đối tượng như người già, những người có tiền sử về bệnh xương khớp, những phụ nữ từ độ tuổi 30-50 nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm chủ động phát hiện bệnh sớm, ngay từ giai đoạn đầu và điều trị bệnh hiệu quả.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài, đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục có khi đến hết cả đời. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh VKDT, việc điều trị chỉ nhằm mục đích giảm tình trạng viêm của khớp và dự phòng làm chậm quá trình tổn thương khớp. Thông thường việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc, song đôi khi cần phải kết hợp với phẫu thuật trong một số trường hợp có biến dạng khớp nặng. Người bệnh cần phải kiên nhẫn và tuyệt đối tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không được tự ý mua thuốc điều trị vì có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Do vậy, khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần phải đến các cơ sở y tế khám để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.